Bí quyết tiết kiệm hiệu quả
Chia sẻ | Tiết kiệm | Đời sống
Ngày viết: 30/04/2023
Trước khi làm mọi việc, quan trọng nhất vẫn là việc "hiểu chính mình", cũng như người xưa có câu "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng". Vậy, để có thể tiết kiệm được, bạn cần biết mình đang vướng lí do gì khiến việc tiết kiệm luôn luôn bất thành.
Bài viết này hoàn toàn viết bằng quan điểm và trải nghiệm cá nhân của mình, vì vậy, các bạn đừng ngại cải thiện hoặc bổ sung làm sao cho phù hợp với tình trạng và khả năng của bản thân nhé.
Điểm yếu của mình là gì?
Mình ý thức được việc tiết kiệm từ khá sớm nhưng hầu hết kế hoạch đều "toang", đại loại có thể kể đến:
Quá nhiệt huyết lúc đầu
Mới quyết tâm mà, cực kì nhiệt huyết. Mình bỏ hầu như toàn bộ những gì mình có vào heo đất, sau đó khi phát sinh nhu cầu chi tiêu, mình không còn gì để chi, và cái kết là... dùng nhíp moi heo.
Sau đó, mình thấy bản thân quá tệ, cảm xúc không còn được như ban đầu nữa, và cái kết là việc tiết kiệm chính thức bị xếp xó.
Luôn có "âm mưu" sử dụng
Tiền có thể không có nhưng thứ muốn có thì luôn có. Sau này khi không còn heo đất, mình bắt đầu chuyển sang tích trữ bằng tài khoản ngân hàng hoặc đơn thuần là kẹp tiền mặt vào một cuốn sổ nào đó. Điểm chung của các phương án này là bản thân hoàn toàn có quyền kiểm soát số dư, đồng nghĩa với việc... mình biết số tiền đó có thể mua được gì hoặc cần thêm bao nhiêu để có được thứ mình đang muốn. Và rồi... mình có món đồ đó.
Đây chính là hai lí do lớn nhất khiến việc tiết kiệm của mình chưa bao giờ đi đến đâu.
Tiến hành khắc phục
Không thể tiếp tục như vậy mãi được, mình đã quyết tâm tìm phương pháp để khắc phục từng điểm yếu một. Tự dưng mình thay đổi thành một người biết tiết kiệm là chuyện bất khả thi, vì vậy, cách tốt nhất là cân đối giữa việc thay đổi bản thân và các công cụ hỗ trợ.
Bí quyết tiết kiệm tiền hiện tại của mình
Mình đã áp dụng phương pháp này và thật sự thành công, cụ thể như sau:
Tạo một tài khoản ngân hàng khác với ngân hàng đang sử dụng. Mục đích mở là giữ tiền nên tuyệt đối không mở thẻ, không đăng kí báo biến động số dư và tắt luôn tính năng báo số dư trên ứng dụng (nếu có). Ưu tiên các ngân hàng không tính phí duy trì tài khoản để đảm bảo việc gửi bao nhiêu sẽ còn nguyên bấy nhiêu. Việc này sẽ tránh được việc nhìn thấy số dư - động cơ lớn nhất khiến mình sa ngã và rút ra chi tiêu.
Dĩ nhiên, việc tò mò số dư sẽ rất nguy hiểm nên hãy cố gắng kìm chế việc vào ứng dụng kiểm tra. Tuy nhiên, đừng nên xóa hẳn app hoặc làm các thao tác rủi ro đến bảo mật, bạn có thể phải ra ngân hàng để yêu cầu mở khóa đó.
Về việc thêm tiền vào tài khoản tiết kiệm, tùy vào khả năng tài chính của mỗi người, dưới đây là của mình ở thời điểm viết bài viết này (30/04/20230:
+ Các khoản thu dưới dạng "được cho": 10% - 30% tùy vào số tiền còn trong túi
VD: Gia đình cho, được tặng nhân dịp gì đó.
+ Các khoản thu dưới dạng lương: dưới 10%
Hiện tại mình chỉ bỏ 1% lương thôi. Sau này khi kế hoạch dùng lương thoáng hơn, mình sẽ tăng số phần trăm này lên.
+ Các khoản thu dạng thanh lí (chẳng hạn như có món gì đó cần bán và không cần mua lại): cứ bỏ vào tùy tâm nhé. Những khoản thu dạng "phát sinh", tốt nhất nên cất càng nhiều càng tốt vì vốn dĩ bạn vẫn phải sống tốt ngay khi không có khoản thu này.
+ Khoản bắt buộc hằng ngày
Đây là một khoản trụ cột trong quá trình tiết kiệm. Mình chọn một con số ngẫu nhiên mỗi ngày và chuyển khoản vào tài khoản tiết kiệm. Con số này chỉ cần tương đương 1 phần ăn hoặc một cốc trà đào, đảm bảo khi mất nó bạn vẫn không bị khủng hoảng gì. Việc mất đi một phần nhỏ với ảnh hưởng ít sẽ giúp bạn vừa tiết kiệm vừa không bị tâm lí "cảm giác hao hụt" quá nhiều.
Ví dụ như trên, mỗi ngày mình sẽ chuyển vào tài khoản một con số ngẫu nhiên trong khoảng 20.000 đến 50.000. Điều này sẽ không quá ảnh hưởng đến túi tiền còn lại cũng như số quá lẻ sẽ khiến bản thân không còn nhớ được trong tài khoản còn tầm tầm bao nhiêu tiền.
Như đã chia sẻ ở trên, việc quan trọng nhất trong mọi phương pháp tiết kiệm chính là kiềm hãm được cơn ham muốn chi tiêu của bản thân. Bạn phải học cách khóa khoản tiết kiệm của mình lại vì về cơ bản, mọi phương pháp sẽ vô nghĩa nếu bạn thấy được số dư tiết kiệm và nghĩ về việc chi tiêu nó. Bạn hãy lập ra một bảng quy tắc khẩn cấp, ví dụ:
+ Hư hỏng bất thường và quan trọng
Chẳng hạn như cục sạc hư, nếu không có sẽ không thể dùng điện thoại, laptop.
Đồ dùng hư hỏng, như máy quạt, bếp núc,...
+ Y tế
+ Các dịp trọng đại
...
Việc quan trọng khi đề ra các tiêu chí này là việc bạn cần hiểu, cái nào là "cần" và cái nào là "khẩn cấp". Chỉ cần hoãn được hoặc có phương pháp thay thế hoặc... bất kì cách nào đó ngoài việc mở gấp tài khoản tiết kiệm, thì hãy làm nó trước.
Điều gì nên làm tiếp theo khi lỡ mở "chiếc hộp pandora"?
Việc không mở tài khoản tiết kiệm cũng chính là việc không mở chiếc hộp pandora khiến mọi tai ương phát tán ra ngoài. Nhưng nếu bạn lỡ mở hoặc mở vì trường hợp lỡ thấy số dư khi rút phần tiền khẩn cấp thì sao?
Tiên quyết rằng, bạn tuyệt đối chỉ được rút vừa đủ số tiền cần rút. Khẩn cấp cần 500.000 mà sẵn thấy có 1 triệu nên rút luôn thì... bạn cần chấn chỉnh lại ngay.
Về việc nhìn thấy số dư, để tránh việc nảy sinh những âm mưu xấu xa, bạn cần ngay lập tức thoát ra, sau đó bỏ vào đó một khoản tiền bất kì. Vừa cố quên đi số tiền trong tài khoản tiết kiệm vừa bỏ thêm tiền vào sẽ một phần nào đó khiến con số bạn vừa thấy bị phân tán.
"Người ta đi mãi thì thành đường thôi", câu nói này của bác Lỗ Tấn cũng khá phù hợp trong trường hợp này. Hãy tự thôi miên mình bằng cách luôn nghĩ bạn có một số dư khác thấp hơn số hiện tại. Đôi khi bạn sẽ tự ghi nhận một điều không đúng là sự thật.
Vì sao không nên dùng các ví điện tử có khả năng sinh lãi?
Đúng là chúng có khả năng sinh lời, nhưng trong việc sử dụng, các ví sẽ luôn hiển thị số dư và đôi khi còn khuyến khích sử dụng trực tiếp tiền trong đó để thanh toán. Đối với mình, việc thấy số dư là điều tuyệt đối nên tránh, vì thế, mình không chọn các ví điện tử có tính năng gửi tiền sinh lời. Mặt khác, các ví điện tử có giới hạn số lần và trị giá giao dịch mỗi tháng. Bạn có thể bị tính thêm phí hoặc thậm chí không thể rút tiền trong ngày hôm đó, và sẽ rất khó nếu bạn cần rút gấp một khoản tiền lớn.
Chúc các bạn có cho mình một kế hoạch tiết kiệm thành công ^^
NGUỒN VÀ THAM KHẢO
Bài này mình tự viết nên hỏng có tham khảo ai.
Nguồn ảnh minh họa: Google Search, Pixabay